Loading...

Tẩu hỏa nhập ma

Thảo luận trong 'Trao đổi thảo luận các vấn đề, nội dung khác' bắt đầu bởi anhdung61, 10/7/18.

  1. anhdung61

    anhdung61 Member

    Tham gia ngày:
    10/5/18
    Bài viết:
    45
    Đã được thích:
    11
    Điểm thành tích:
    8
    Giới tính:
    Nam

    Vì sao bị tẩu hỏa nhập ma?

    “Tẩu hỏa nhập ma” là thuật ngữ được nói đến trong võ học. Đó là tình trạng rối loạn khí huyết, đảo lộn kinh mạch do tu luyện khí công, nội công sai phương pháp hoặc do nóng vội mà luyện tập không đúng trình tự, diễn tiến; dẫn đến nhẹ thì sinh bệnh, nặng thì bán thân bất toại; điên loạn, thậm chí tử vong.

    Người tu theo đạo học, thỉnh thoảng cũng dùng thuật ngữ “tẩu hỏa nhập ma”để chỉ tình trạng cuồng tâm loạn trí, ảo tưởng, hoặc rơi vào tà kiến, ngoại đạo... do dụng tâm, dụng công sai trong quá trình tu tập. Có thể nói “tẩu hỏa nhập ma” là một dạng bệnh lý; trong võ học nó thiên về tâm bệnh.

    Tình trạng tẩu hỏa nhập ma trong giới võ thuật tuy biểu hiện là thân bệnh nhưng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người bệnh, có thể khiến cho người bệnh thay đổi tính khí, thay đổi tâm tư tình cảm, có thể khiến một người có bản tính lương thiện trở thành hung ác. Tình trạng tẩu hỏa nhập ma trong giới tu tập theo đạo học tuy là tâm bệnh nhưng cũng ảnh hưởng không ít đến cơ thể sinh- vật lý .

    Trong Phật giáo không có thuật ngữ “tẩu hỏa nhập ma”, nhưng những tình trạng tương tự tẩu hỏa nhập ma được kinh điển đề cập rất nhiều thông qua các từ “ma sự”, “ma chướng”, gồm cả nội ma lẫn ngoại chướng mà tiêu biểu là 50 món ma đã được kinh Thủ Lăng Nghiêm nói đến .

    Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật dạy có 10 món ma thuộc về sắc ấm, 10 món ma thuộc về thọ ấm, 10 món ma thuộc về tưởng ấm, 10 món ma thuộc về hành ấm, và 10 món ma thuộc về thức ấm tổng cộng có 50 món ma nói trên, có hai trường hợp mà người tu hành thường gặp phải:

    Thứ nhất, tâm sinh đại ngã mạn: người tu tự cho việc tu hành của mình với những sở ngộ, sở đắc như thế là đầy đủ, viên mãn rồi; từ đó sinh tâm đại ngã mạn, khinh khi chư Phật, các bậc Thinh văn, Duyên giác, tự cho mình chứng Thành, không lạy Phật, lạy Tổ; lại còn hủy hoại kinh tượng.

    Thứ hai , tham cầu thần thông, diệu dụng: người tu khởi tâm tham cầu thần thông, diệu dụng, và những cảm ứng linh nghiệm. Thiên ma biết được tâm niệm đó thừa dịp nhập vào người giúp người tu có thể hiển thị thần thông diệu dụng, hoặc sai sử người tu làm việc phạm trai, phá giới, thuyết tà pháp, bày điều mê tín dị đoan, tiên tri kiết hung họa phước.

    Đôi khi người tu hành học đạo rơi vào tình trạng “tẩu hỏa nhập ma” mà không hay, đó là những hiện tượng:

    1- Tư tưởng rối loạn do tích chứa quá nhiều khiến thức mà không thể thâu về một mối, không thể thâu về một mối, không thể quán triệt thấu suốt để dung hòa, từ đó cũng không biết chỗ để thực hành, tu tập.

    2- Học không bắt đầu từ căn bản, không có cơ sở, nền tảng vững chắc, không được chỉ dạy, huấn luyện căn cơ, trình độ. Căn cơ trình độ thấp kém, nhưng tiếp cận giáo lý Đại thừa nên sinh tâm ngã mạn, rơi vào tà kiến, ngoại đạo. Việc tu tập những pháp môn không phù hợp căn cơ, trình độ, chẳng những không đạt kết quả mà còn có hại cho bản thân.

    3- Tự thấy mình có khả năng tiên tri, dự đoán kiết hung, tiêu tai giải nạn, xem mình như tần thánh có quyền ban phước giáng họa, thay đổi điều kiết hung mà không cần phải tuân theo nhân quả bằng cách dùng thần chú, mật ấn, Phan tự nếu là người tu theo Phật giáo, dùng tà thuật nếu là ngoại đạo; có người còn tự xưng là Vô Thượng sư, Đạo sư, Phật sống, Tổ sư v.v… và thấy rằng mình đáng được mọi người sùng bái, kính ngưỡng.

    Trong Đạo giáo – do Trương Đạo Lăng thành lập vào thế kỷ thứ II ở Trung Quốc thờ Lão Tử làm Giáo tổ, dạy cách tu tiên, dùng bùa phép, chú thuật trừ tà, trị bệnh, sai khiến quỷ thần – có nhiều người còn tự xưng mình là Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thái Thượng Lão Quân, Nguyên Thỉ Thiên Tôn, Tây Vương Mẫu v.v…

    Thời nào cũng có những người tu tập theo đạo học như sai đường lối, rơi vào tà kiến, mắc phải tâm bệnh, làm việc ma sự. Hầu hết những người này đếu có ảo tưởng rằng mình đã chứng đắc thần thông hoặc được các đấng thiêng liêng phù trợ. Hiện tượng này giống như tình trạng bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng. Ở Phương Tây, trước giờ cũng có vô số trường hợp “ tẩu hỏa nhập ma ” khiến phát sinh tinh thần do cuồng tín. Do có niềm tin và cách hành đạo lệch lạc, làm hại bản thân và hại nhiều người khác .

    Người tu học Phật nếu dụng tâm sai (không có chánh kiến, không có chánh niệm, móng tâm vọng niệm chấp trước, tham cầu thần thông diệu dụng, tu hành với niệm tham sân, si tu hành với mục đích có được lợi dưỡng , danh tiếng , sự trọng vọng), dụng công sai (tình trạng thái quá hoặc bất cập trong tu tập, hoặc thực hành sai phương pháp, không đúng lộ trình) hoặc nếu không có thầy hướng dẫn… đều có thể rơi vào đường tà hoặc rối loạn tâm thần, điên loạn (nếu như tu thiền sai phương pháp, lạc vào tà thiền, ngoại đạo thiền).

    Có thể nói không ít người đã từng tiếp xúc các trường hợp như thế. Có một vị Phật tử nọ, sau một thời gian tu thì nảy sinh tình trạng “ợ ợ, ngáp ngáp” cho rằng mình được “đấng bề trên” độ mạng; anh thường hay coi bói, đoán kiết hung cho người khác, chỉ cách cúng kiến, cầu khấn. Thầy bạn của anh cho rằng anh đã lạc vào đường tà, tìm cách giúp anh nhưng anh cứ khư khư là mình tu đúng chánh pháp.

    Có nhiều người sau khi tu theo Mật tông một thời gian thì tự tin rằng mình có khả năng tiêu tai giải bệnh, trừ tà, giúp người kinh doanh mua bán hanh thông phát đạt, dám tiên đoán người bệnh trong bao lâu sẽ bình phục hoặc mãn phần. Nhưng khi sự việc xảy ra không như lời “phán”của “cao nhân” thì “cao nhân”lánh mặt hoặc tìm lý do để ngụy biện, đôi khi tự gạt cả thân mình vì có ảo tưởng mình có khả năng đặc biệt hoặc có Hộ pháp Chư thiên ủng hộ.

    Tình trạng “tẩu hỏa nhập ma” tinh thần không dễ nhận ra nếu không có minh sư, không có thiện hữu trí thức khai thị, chỉ điểm, dẫn dắt.

    Theo Minh Hạnh Đức - VHPG


    Bạn biết gì về “tẩu hỏa nhập ma”

    Lâu nay, chúng ta thường nghe thuật ngữ “tẩu hỏa nhập ma” ở trên các bộ phim hành động, võ thuật và cứ nghĩ rằng điều này không có thật. Nó chỉ là tình tiết đạo diễn thêm thắt vào cho sinh động và tăng sự hấp dẫn cho bộ phim. Nói rõ hơn là chúng ta còn đang rất mơ hồ về “tẩu hỏa nhập ma”. Vậy “tẩu hỏa nhập ma” là gì? Làm cách nào để đối phó với nó?

    Tẩu hỏa nhập ma là gì?

    Do tầm phổ biến của các loại chuyện võ hiệp, hầu như ai cũng có thể nghe nhắc tới mấy tiếng tẩu hoả, nhập ma theo cách hiểu tổng cương là một tai biến. Nhưng phần đông lại thường nghĩ loại tai biến này chỉ đến riêng với các cao thủ thượng thừa trong võ lâm. Đây là một lầm lẫn rất lớn.

    Thực ra tẩu hoả, nhập ma là các tai biến xảy ra ở mọi trình độ luyện công và xảy ra nhiều ở trình độ sơ đẳng do kém hiểu biết về cách luyện, thiếu trình độ để phát hiện nhằm kịp thời ứng phó.

    Cũng cần phân biệt rõ tẩu hoả và nhập ma là 2 tai biến hoàn toàn khác biệt về cả tính chất lẫn nguyên nhân. Dù ở mức độ trầm trọng cả 2 tai biến đều đẩy người rèn luyện vào trạng thái mất trí, điên cuồng, nhưng ngay tính chất này cũng khác nhau. Người bị tẩu hoả trở nên điên cuồng do nội khí loạn chuyển, còn người bị nhập ma trở nên điên cuồng do các ảo ảnh huyễn hoặc chi phối.


    Nói một cách khác, tẩu hoả là do tình trạng khí lực chuyển động bất chấp quy luật và vượt khỏi ý hướng điều phối của người luyện công. Còn nhập ma là trạng thái mê loạn của người luyện công do ảo ảnh huyễn hoặc không còn khả năng nhận chân nổi thực tế, tin tưởng tuyệt đối vào những điều không hề có hoặc chỉ có trong sự vọng tưởng mà thôi.

    Bị tẩu hoả ở mức độ nhẹ sẽ cảm thấy ngực, bụng trướng thống, đầu nặng mắt hoa do khí lực chuyển nhiều tới các bộ phận này. Trong tình trạng nặng hơn, do khí loạn chuyển khắp toàn thân, người luyện không chỉ chịu cảm giác đau đớn mà còn mất hẳn quyền chủ động với thân thể của mình. Khi đó, mọi hành vi, mọi cử động ngoài hẳn ý muốn đều có thể xảy ra và bước cuối cùng là điên cuồng thực sự.

    Bị nhập ma không có các hiện tượng như trên. Do bị luôi cuốn bởi các ảo ảnh, người luyện sẽ dần dần từng bước lấy giả làm thật, và cứ thế tiến dần vào trạng thái gần như hôn mê, tinh thần thất tán và cuối cùng cũng đi tới sự điên cuồng. Do không có các hiện tượng biểu hiện rõ rệt nên tai biến nhập ma hết sức nguy hiểm vì thường chỉ được phát giác vào lúc đã trở nên khó trị.


    Để tránh các mối nguy hiểm tai biến trên khi luyện công, nên nhận rõ nguyên nhân của tẩu hoả và nhập ma ra sao.

    Quá trình luyện công luôn bao gồm nhiều bước quan trọng mà quan trọng đáng kể là giai đoạn “ nhập tĩnh ” . Chính trong bước nhập tĩnh, người luyện công sẽ khởi sự thu hoạch các thành quả để nâng cao dần trình độ công phu của mình. Nhưng để bước vào nhập tĩnh người luyện công phải đạt được ít nhất 2 điều kiện là “ Điều phối ý khí “ và “ Bài trừ tạp niệm “ . Điều phối ý khí là dùng ý dẫn khí đi khắp các bộ phận thân thể theo cac quy luật nhất định mà mỗi công pháp đã vạch rõ. Bài trừ tạp niệm là đạt tới sự tập trung ý tưởng ở mức hoàn hảo .

    Tai biến xảy ra khi người luyện coi nhẹ các điều kiện trên hoặc quá nôn nóng muốn gấp rút thu hoạch các thành quả. Một trong các nguyên tắc lớn của luyện công là : “ DỤNG Ý BẤT DỤNG LỰC “. Các dụng ý cũng được chỉ dẫn rõ là : “ HỮU Ý, VÔ Ý XƯNG CÔNG PHU “ tức tránh sự chấp ý để đạt tới trạng thái hoàn toàn tự nhiên. Ý đến và đi phải nhẹ nhàng, thanh thoát như một làn gió thoảng không bị thúc đẩy bởi các mong muốn hay mưu tính. Do sở cầu bản thân, cố dồn ép nhịp điều phối Ý – Khí để thu ngắn quá trình rèn luyện là đã “ dụng lực ”, tức đã vi phạm nguyên tắc căn bản nêu trên. Đây là nguyên do chủ yếu đưa đến tai họa Tẩu hoả. Người luyện muốn mau bước vào giai đoạn nhập tĩnh đã đặt bản thân mình vào thế rèn luyện quá cuồng nhiệt, dùng lực để cưỡng bức nhịp thở, gấp gáp vận khí luân chuyển trong khi quên bẵng đòi hỏi quan trọng là phải đạt tới trạng thái hoàn toàn tự nhiên.

    So với điều phối ý khí, việc bài trừ tạp niệm còn có vẻ khó hơn. Do đó nhiều phép luyện bài trừ tạp niệm đã được đề ra như : sổ tức pháp, ngoại quan pháp, kế số pháp, mục thị tị chuẩn pháp … Nhưng người luyện công thường không lưu tâm tới các phép luyện này và tự đánh giá chủ quan về thành tựu bản thân để mau chóng bước qua giai đoạn nhập tĩnh. Trên thực tế, các tạp niệm chưa thực sự tiêu trừ đã dần dần hồi sinh ngay trong quá trình nhập tĩnh hoá thành các loại ảo ảnh. Thông thường ảo ảnh từ các điều mà người luyện sẽ nhìn thấy, tưởng nghĩ tới hoặc ấp ủ mơ ước.

    Phương thức điều trị “Tẩu hỏa nhập ma”

    Cách hay nhất là ngăn chặn trị dứt các chứng bệnh do các tai biến tẩu hoả, nhập ma đưa tới là tìm ngay một bậc thầy về khí công hoặc các vị y sư chuyên về châm cứu.

    Tuy nhiên, ngay khi phát giác tình trạng không may của mình cần tức khắc đình chỉ việc rèn luyện môn công của mình đang theo đuổi. Kế đó, tự mình có thể cố gắng điều trị bằng các phương pháp cụ thể nhất. Chẳng hạn như, người bị tẩu hoả có thể theo tập các môn công đưa lại tác dụng : tức hoả, thối hoả hoặc tán hoả, tức là các công phu chủ yếu đưa lực ra ngoài. Theo các chuyên gia khí công, người bị tẩu hoả nên chọn 1 trong 3 môn công sau để luyện:

    1. Lục tự quyết , nhưng chỉ luyện 3 tiếng XU , KE , XI nên còn gọi là tam tự quyết

    2. Xích long thám hải công

    3. Thoái hoả công

    Trong lúc luyện, cần lưu ý các đặc điểm : Buông thả toàn thân, Bài trừ tạp niệm , Tâm thần an định , Dẫn khí xuống dưới.

    Riêng những người bị nhập ma thì tự tạo một tâm lý nghịch hẳn với tâm lý đang có, tức là luôn ngờ vực, không tin vào một điều nào mà mình đã tin. Nhưng những người bị nhập ma thường không dễ nhận ra tai biến của mình nên vẫn phải sở cậy nhiều người ở xung quanh và đặc biệt là nhờ cậy nơi các y sư có thực tài về bấm huyệt, châm cứu.

    Ngoài tẩu hoả, nhập ma, người luyện công còn có thể gặp một số tai biến khác và tai biến tẩu hoả, nhập ma còn có thể đến do một số nguyên nhân khác với nguyên nhân chính đã nêu. Phạm vi một bài viết ngắn không cho phép trình bày cặn kẽ các điều này, nên xin được kết luận bằng một lời nhắc nhở có tính cảnh giác : “ Muốn tránh tai biến trong luyện công nên kiên trì nhẫn nại và luyện tập trong khung cảnh ít bị ngoại cảnh chi phối “.

    Tùng Võ (Sưu tầm)

    'Tẩu hỏa nhập ma' vì tự tập thiền

    Suy sụp vì chia tay người yêu, nghe nói tập thiền có thể giúp tinh thần tĩnh tại, Xuân lên mạng tìm hiểu, tải nhạc thiền về nhà tự luyện. Nhưng được vài phút chị lại thấy trán nóng lên, đỉnh đầu đau nhói.

    "Tôi làm y hệt hướng dẫn trên mạng, ngồi thả lỏng, tập trung hơi thở và nghe nhạc thiền, mắt nhắm lại. Nhưng càng cố tập trung thì đầu càng đau đầu, phải mở mắt ra đi làm việc khác mới đỡ", Xuân, 29 tuổi (Gia Lâm, Hà Nội) kể.

    Nghĩ là mới tập chưa quen nên đau, chị Xuân vẫn kiên trì mỗi ngày hai lần sáng, tối ngồi thiền. Nhưng mức độ đau đầu, mệt mỏi càng ngày tăng khiến chị phải ngừng lại và nghĩ "chắc mình không hợp với thiền".

    Chị Nhàn, 40 tuổi (Đống Đa, Hà Nội) cũng tìm đến với thiền để mong dịu bớt nỗi đau khổ, ám ảnh trong lòng vì chuyện chồng ngoại tình. Trong ngõ chị ở, nhiều ông bà về hưu tổ chức câu lạc bộ tập môn này. Trong lòng nhiều ưu phiền, lại còn trẻ, chị ngại không muốn tham gia cùng mọi người, chỉ hỏi sơ cách tập, rồi tìm đến một ngôi chùa gần nhà để ngồi tĩnh tại. Mỗi ngày, chị dành vài giờ ngồi yên lặng, muốn quên hết mọi ưu phiền.

    Khoảng 10 ngày sau, người nhà thấy chị bơ phờ, lại hay nói lảm nhảm một mình, không ai hiểu gì. Mọi người phải đưa chị vào bệnh viện tâm thần điều trị.

    Ông Hoàng Dương Bình, Giám đốc Trung tâm tham vấn tâm lý Hoàng Nhân (Hà Nội), người từng tập thiền lâu năm và áp dụng phương pháp này vào trị liệu tâm lý, cho biết thiền là một liệu pháp, một phương tiện nâng cao sức khỏe, cân bằng thân tâm. Thông qua thiền đúng cách, người tập nhận biết bản chất thật của mình và bản chất của cuộc sống. Đây chính là nền tảng của sức khỏe, sáng suốt, và may mắn. Điều đặc biệt thông qua thiền đúng cách, cảm thức nhân ái, yêu thương, vị tha, bao dung xuất hiện trong lòng.

    Tuy nhiên, nếu tập thiền không đúng cách có thể dẫn đến đau đầu, mất ngủ, các rối loạn tâm thần, cá biệt có thể bị tẩu hỏa nhập ma - một trạng thái đảo cực năng lượng trong cơ thể. Trường hợp đó thường rơi vào người tập khi không có kiến thức, hoặc không có thầy hướng dẫn, hỗ trợ. Ngoài ra, có thể do người tập đặt vấn đề không hài hòa, chẳng hạn khi thiền nhẽ ra cần tâm định thì người ta lại dùng trí định, trong thiền cần trống rỗng thì lại tập trung suy nghĩ.

    Ngoài ra, theo ông Bình, thiền không đúng cách còn làm đảo lộn các “trật tự tạm thời” của hệ thống năng lượng trong các kinh mạch, trung tâm năng lượng cơ bản. Nó giống như một đống sách trong kho lâu ngày đầy bụi bẩn, nếu có hiểu biết, bạn rút từng quyển từ trên xuống dưới, bụi bay ra ít, nhưng đây là bạn xới tung lên, cả đống sách đổ, và bạn có thể chết ngạt vì bụi.

    "Nó cũng như khi bạn có cá tính ngạo mạn song lại ngộ nhận mình là người đặc biệt và hiểu biết, hệ quả sớm muộn bạn sẽ thất bại trong kinh doanh và gia đình, đồng thời rối loạn tâm thần. Khi tập thiền đúng cách, bạn nhìn được bản chất của tính ngạo mạn thì sẽ khỏi. Nhưng thay vào đó, bạn cứ nghĩ suy nhược, thất bại trên là do bạn hết tiền, do lỗi người khác và bạn thiền mục đích kiếm tiền giỏi hơn, để tư lợi thì có thể bạn càng rơi vào rối loạn thần kinh nặng hơn, đó cũng là thiền không đúng cách", ông Bình đưa dẫn chứng.

    Theo ông, bất cứ ai muốn tập thiền đều được, không có chuyện hợp hay không, nhưng cần chọn thầy giỏi, tâm sáng, đôn hậu để chỉ giúp và kiểm tra kết quả. Khi tập thiền, nên hướng về kiến thức chuyển hóa tâm tính, nhờ đó mà đả thông kinh mạch, minh mẫn khỏe mạnh, yêu thương. Ngược lại tránh đặt ra các ham muốn trong thiền để giỏi hơn, giầu hơn, có quyền năng mà gây ra sự rối loạn khí lực, làm các kênh năng lượng bị đảo cực, gây hoa mắt, bức bối trong cơ thể và các dạng tâm thần.

    Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc một trung tâm thiền - yoga tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, những người chưa tập thiền bao giờ thường có khả năng tập trung kém. Trong khi thực tế, khi thân tĩnh thì tâm càng động. Ngồi một chỗ, đầu óc người ta càng có xu hướng nghĩ đến nhiều thứ, lan man, bất tận. Nếu không có một điểm nào đó để hướng suy nghĩ đến, không có người dẫn dắt, người ta càng nghĩ lung tung, tưởng đang tĩnh lại hóa động, tâm trí loạn xạ, và nếu cứ tập kéo dài sẽ dẫn đến nhức đầu, căng thẳng. Ngồi thiền khi chưa biết điều tiết hơi thở càng nguy hiểm. Nếu tiếp tục tự tập, tập lâu còn mang bệnh.

    Ông Tuấn từng gặp nhiều trường hợp mới tập thiền cứ ngồi tập là đau đầu hoặc buồn ngủ rũ hay những người có vấn đề về xương khớp, cổ lưng, khi tập lại càng thấy căng, đau thêm. "Nếu có người hướng dẫn hiểu biết sẽ có cách giúp người mới tập khắc phục tình trạng đó, ngược lại vấn đề có thể sẽ ngày càng trầm trọng", ông Tuấn nói.

    Theo ông, tốt nhất khi mới tập nên thiền trong trạng thái động, nghĩa là có thể tập các động tác yoga, tập thở, học cách tập trung ý nghĩ vào động tác, hơi thở... ở một nơi uy tín, có người hướng dẫn giàu kinh nghiệm.
    Vương Linh

    Tẩu hỏa nhập ma

    HỎI: Chúng tôi đang tự thực tập tọa thiền ở nhà nhưng một số người nói như vậy là không được, dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”. Vì thế, cần phải tìm các bậc minh sư hướng dẫn. Xin cho biết phải thiền thế nào cho đúng? “Tẩu hỏa nhập ma” là gì? Tu thiền có bị “tẩu hỏa nhập ma” không?(TÂM THÀNH, Bình Chánh, TP.HCM; HOÀNG NGUYỄN, hoang.inf@gmail.com)

    ĐÁP: Bạn Tâm Thành và Hoàng Nguyễn thân mến!

    Thiền định là pháp môn tu tập cốt tủy của Phật giáo. Đức Thế Tôn nhờ nỗ lực thiền định mà chứng đạt giác ngộ tối thượng. Nội dung tu tập thiền định của Thế Tôn hiện vẫn được lưu truyền và ứng dụng phổ cập trong cả hai truyền thống Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền.

    Tu tập thiền định hiện nay rất phổ biến trong giới Phật giáo và cả những người không có tôn giáo hay theo các tôn giáo khác. Thiền định giúp hành giả tăng cường sức khỏe, thư giãn tinh thần, sống lạc quan, hạnh phúc và an vui. Quan trọng hơn, thiền định giúp người thực tập an trú chánh niệm, làm chủ thân tâm, xả ly và đoạn tận tham ái phiền não, thành tựu trí tuệ, giải thoát, Niết bàn.

    Ở Việt Nam hiện có nhiều thiền phái đang được truyền bá với đông đảo thiền giả thực tập. Đơn cử như thiền phái Trúc Lâm (Thiền sư Thích Thanh Từ), thiền chánh niệm của pháp môn Làng Mai (Thiền sư Thích Nhất Hạnh), thiền công án, thiền Tứ niệm xứ, thiền Minh Sát Tuệ v.v… Tuy đồng nhất một mục tiêu thành tựu giải thoát nhưng kỹ thuật và phương thức dụng công, mỗi thiền phái có khác biệt nhau. Do vậy, để thực tập thiền đúng Chánh pháp, các bạn cần phải theo học một trong những thiền phái này, sau đó mới ứng dụng tu tập tại nhà.

    Nói cách khác, muốn tu tập bất cứ pháp môn nào, trước hết phải có các bậc thầy nhiều kinh nghiệm hướng dẫn, kế đến là tham khảo nghiên cứu thêm các kinh sách, chỉ nam liên hệ đến pháp môn để nắm vững các phương pháp và kỹ thuật thực tập. Nếu chưa hội đủ những yếu tố căn bản này mà vội vàng thực tập thì dù cố gắng thật nhiều vẫn khó tiến bộ và không thể đạt đến thành công. Mặt khác, trong quá trình thực tập thiền định, nếu không nắm vững phương pháp và kỹ thuật thì có thể dẫn đến một số rối loạn về hơi thở, thân và tâm cùng với những di chứng khó lường, thường gọi là “Thiền bệnh” hay gọi nôm na là “tẩu hỏa nhập ma”.

    Tuy nhiên, hiện tượng “tẩu hỏa nhập ma” và những liên hệ đến thiền định Phật giáo là điều cần phải bàn. Sau khi tra cứu một số từ điển Phật học thông dụng như Từ điển Phật học Huệ Quang (Thích Minh Cảnh chủ biên, NXB.Tổng Hợp TP.HCM), Từ điển Phật học Hán Việt (NXB.Khoa Học Xã Hội), Từ điển Thiền tông Hán-Việt (Hân Mẫn-Thông Thiền biên dịch) thì tuyệt nhiên không thấy đề cập đến vấn đề “tẩu hỏa nhập ma”.

    Thực ra, “tẩu hỏa nhập ma” là các tai biến xuất phát từ việc luyện tập công phu võ thuật trái với quy luật vận động sinh lý tự nhiên (Có thể vì vậy mà “tẩu hỏa nhập ma” không được đề cập đến trong kinh sách Phật giáo). Theo các nhà luyện công, “tẩu hỏa” là tình trạng khí lực chuyển động bất chấp quy luật và nằm ngoài ý muốn của người luyện công. Các triệu chứng của “tẩu hỏa” bắt đầu với những cơn căng tức ở bụng và ngực kèm theo cảm giác hoa mắt chóng mặt do khí lực di chuyển thái quá đến các bộ phận cơ thể gây ra. Đến một giai đoạn nặng hơn, người luyện công sẽ cảm thấy đau đớn, nóng rực toàn thân và dần mất hẳn sự tự chủ cho đến điên cuồng. “Nhập ma” là trạng thái mê loạn với những ảo ảnh vọng tưởng hoặc không bao giờ có thật của người luyện công. “Nhập ma” được coi là rất nguy hiểm vì chỉ được phát giác ở giai đoạn bệnh đã trở nên nặng nề, khó chữa trị. Đây là quá trình người luyện công dần dần bị lôi cuốn vào những ảo ảnh để rồi lấy giả làm thật, tiến đến trạng thái hôn mê, tán thần và dẫn tới sự điên cuồng vào giai đoạn cuối.

    Như vậy, “tẩu hỏa nhập ma” là bệnh của người luyện công vì không tuân thủ các nguyên tắc luyện công, vận khí, điều tâm cũng như quá nôn nóng để thành công hay tham lam luyện nhiều võ công lai tạp. Người luyện công tuy có thực tập thiền nhưng phối hợp với vận khí, khai mở các trung tâm lực trong cơ thể nhằm thúc đẩy nhanh quá trình sinh khí và gia tăng nội lực. Các phương pháp này có thể gây những nguy hiểm nếu người tập thiếu những kiến thức về khí công, về y học truyền thống, hoặc không có đạo sư hướng dẫn để vận dụng và kiểm soát kịp thời nguồn năng lực mới phát sinh. Và rõ ràng, mục đích tọa thiền của người luyện công hoàn toàn khác với các hành giả thực tập thiền định Phật giáo.

    Những thiền giả Phật giáo tu tập thiền định khiến tâm trí tĩnh lặng, thư giãn thần kinh cũng như cơ bắp, giúp hơi thở nhẹ, đều và sâu hơn nên sức khỏe được cải thiện rõ rệt. Mặt khác, các phương pháp thiền định Phật giáo không vận khí, không bám víu vào bất cứ ảo giác, âm thanh hoặc hình ảnh nào, xả ly hết tham ái và phiền não nên rất an toàn và hoàn toàn có thể tránh được tai biến “tẩu hỏa nhập ma” mà một số nhà luyện công mắc phải.

    Chúc các bạn tinh tấn!

    Top of Form

    Bottom of Form

    TẨU HỎA NHẬP MA

    Cho đến nay danh từ TẨU HỎA NHẬP MA đã không còn xa lạ gì với người đời nữa. Thế nhưng những gì thuộc về bản chất của hai hiện tượng này dường như vẫn nằm trong một cõi mơ hồ. Hầu hết chúng ta chỉ nhắc đến chúng như là một danh từ sáo rỗng, khuôn mẫu để chỉ trạng thái mê cuồng của giới võ lâm cao thủ thượng thừa. Đây chính là điều sai lầm hết sức cơ bản bởi TẨU HỎA NHẬP MA có thể đến với tất cả mọi người và mọi lĩnh vực.

    Trước hết cần phân biệt rõ rằng TẨU HỎA và NHẬP MA là hai tai biến riêng biệt và trái ngược về tính chất lẫn nguyên do nhưng đều dẫn đến trạng thái mất tự chủ, điên cuồng của con người.

    Nói về TẨU HỎA, từ xưa đến nay các kinh điển về khí công đều thống nhất rằng đó là tình trạng khí lực chuyển động bất chấp qui luật và nằm ngoài ý muốn của người luyện công. Trong khi đó NHẬP MA lại là trạng thái mê loạn với những ảo ảnh vọng tưởng hoặc không bao giờ có thật thái quá của người luyện công.

    Hiện tượng TẨU HỎA bắt đầu với những cơn căng tức ở bụng và ngực kèm theo cảm giác hoa mắt chóng mặt do khí lực di chuyển thái quá đến các bộ phận cơ thể gây ra. Đến một giai đoạn nặng hơn người luyện công sẽ cảm thấy đau đớn, nóng rực toàn thân và dần mất hẳn sự tự chủ cho đến lúc điên cuồng thực sự.

    NHẬP MA được coi là nguy hiểm hơn rẩt nhiều vì chỉ được phát giác ở giai đoạn bệnh đã trở nên nặng nề, khó chữa trị. Đây là quá trình người luyện công dần dần bị lôi cuốn vào những ảo ảnh để rồi lấy giả làm thật, tiến đến trạng thái hôn mê, tán thần và cũng dẫn tới sự điên cuồng vào giai đoạn cuối.

    Cả hai hiện tượng TẨU HỎA và NHẬP MA đều được dẫn đến do việc luyện tập trái với qui luật tự nhiên. Khi quá trình tập luyện sai lầm như thế diễn ra sau nhiều ngày sẽ gây ảnh hưởng trầm trọng đến hệ thống khí huyết, sự trật tự của cơ thể. XẢ CŨ NẠP MỚI là lý thuyết cơ bản của khí công dưỡng sinh từ muôn đời nay. Thế nhưng nếu làm trái lại, việc rối loạn xảy ra là điều tất nhiên. Khi việc rối loạn đến mức trầm trọng, hai hiện tượng này sẽ dẫn đến cái chết tất yếu của người luyện công.

    Để khống chế hai hiện tượng này, người xưa đã đề cập đến những cách nhằm phát hiện kịp thời những triệu chứng đầu tiên. Việc phát hiện ra hiện tượng TẨU HỎA tương đối dễ biết với tình trạng toàn thân tăng nhiệt độ, đầu nặng trĩu, mắt hoa, vùng ngực và bụng đau nhói trong hiện tượng NHẬP MA ở giai đoạn đầu rất khó phát hiện vì thường không hề lộ ra ngoài. Chỉ khi người luyện công may mắn được ở gần những bậc thầy chân chính, giàu kinh nghiệm thì những người đang bị nhập mà sẽ được những bậc thầy này phát hiện ra dưới vỏ bọc dường như ở dưới vỏ bọc của những con người quá hăng say luyện tập và tự cao tự đại.

    Trong luyện công, điều cốt yếu là giai đoạn AN THẦN NHẬP TĨNH, chỉ có như vậy thì người luyện công mới có thể bước vào ngưỡng cửa của sự thăng tiến công phu. Trong quá trình đó thì cần phải có điều kiện là điều phối được Ý và KHÍ. Điều phối được hai thành tố đó, dùng Ý dẫn KHÍ theo các qui luật nhất định mà mỗi công pháp đề ra thì việc bị TẨU HỎA NHẬP MA là điều không bao giờ đáng lo ngại.

    Hai tai biến TẨU HỎA NHẬP MA chỉ xảy ra khi và chỉ khi người luyện công coi nhẹ điều kiện trên, bỏ qua thứ tự các bước luyện công nhằm mau chóng đạt đến thành quả. Do dục vọng đó, người luyện công đã vô tình dùng LỰC để ép Ý, bất chấp sự hài hoà của cơ thể và hơi thở, luyện tập cuồng nhiệt và cuối cùng đi đến những hậu quả thật đáng tiếc. Họ quên rằng chính sự nhịp nhàng tự nhiên của VŨ TRỤ mới có thể đem đến những huyền vi trong cõi hằng sống này.

    Một điều khó hơn là việc bài trừ tạp niệm. Những tạp niệm chưa được loại trừ tận gốc sẽ được tái tạo dần trong quá trình nhập tĩnh và tạo thành các ảo ảnh, đó thường là những điều họ ấp ủ trong ước mơ.

    Để điều trị hai hiện tượng này cần đưa ngay người bệnh đến với các thầy thuốc Đông Y thông thạo học thuyết kinh lạc và châm cứu hoặc các bậc thầy về Khí công dưỡng sinh. Việc kèm theo là cần đình chỉ ngay việc tập luyện đồng thời tham khảo các công phu nhằm đưa lực ra ngoài như Lục Tự Khẩu Quyết hay Tam Tự Quyết, Xích Long Thám Hải, Thoái Hoả Công dành cho những người TẨU HỎA với yếu lĩnh xuyên suốt là buông thả toàn thân, bài trừ tạp niệm, an định tâm thần, khí dẫn xuống dưới…

    Đối với những người bị NHẬP MA thì việc quan trọng cần làm là tạo một cách nhìn trái ngược với cách nhìn mình đang có. Việc điều trị cho những bệnh nhân này rất cần sự có sự giúp đỡ chân tình mọi người xung quanh, đặc biệt là các Y sư tài giỏi.

    Điều cuối cùng mà chúng ta, những người đang sống trên cõi đời này cần biết đến nhằm tránh khỏi sự dẫn dắt của ma chướng, sai lầm, nguy cơ có thể dấn đến TẨU HỎA NHẬP MA là sự kiên trì nhẫn nại, kỷ luật, sự hiểu biết, thứ tự luyện tập và sự hoà đồng vào thế giới với cách sống tự nhiên, tự chủ, thân thiện, lành mạnh và giản dị.

    Nguyễn Hạnh
     
    Tâm Thuần thích bài này.

Chia sẻ trang này